Thứ sáu, 17/07/2020 16:21

“Quan điểm, giải pháp giải quyết tranh chấp đất đai bảo đảm phát triển  bền vững vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay”

Trong khuôn khổ của đề tài TN18/X07 thuộc Chương trình Tây Nguyên 2016-2020, ngày 16/7/2020, tại Trường Đại học Luật Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc gia: “Quan điểm, giải pháp giải quyết tranh chấp đất đai bảo đảm phát triển bền vững vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay”.

Hội thảo đã được nghe các đại diện của Chương trình Tây Nguyên 2016-2020, Vụ Dân tộc - Văn phòng Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Đại học Tây Nguyên và Viện Khoa học xã hội Tây Nguyên trình bày các báo cáo về nguyên nhân và giải pháp giải quyết tranh chấp đất đai ở Tây Nguyên hiện nay; Tranh chấp trong sử dụng đất lâm nghiệp giữa các chủ thể ở Tây Nguyên; Thực trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai ở các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng trên địa bàn Tây Nguyên… Theo chỉ đạo của Chính phủ đối với Chương trình Tây Nguyên, việc nghiên cứu giải quyết tình trạng tranh chấp đất đai Tây Nguyên là một nhiệm vụ quan trọng, các giải pháp cần mang tính tổng hợp liên ngành nhằm tạo ra những giá trị khoa học mới, thiết thực, góp phần điều chỉnh cơ chế, chính sách, nhân rộng mô hình. Những kết quả nghiên cứu của đề tài không chỉ nhằm giải quyết tranh chấp đất đai ở Tây Nguyên mà còn phải đóng góp cho việc hoàn thiện Luật Đất đai của đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Chủ trương nhất quán của Đảng và Chính phủ là: xây dựng Tây Nguyên thành địa bàn vững chắc về an ninh - quốc phòng và vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, trong đó chú trọng đưa KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Trước đây, chúng ta đặt vấn đề: ổn định để phát triển; nay đổi lại phát triển bền vững để ổn định an ninh lâu dài”. Một trong những thách thức an ninh phi truyền thống của Tây Nguyên là an ninh lương thực, an ninh đất đai, an ninh nguồn nước. Những tài sản trên đất và trong lòng đất Tây Nguyên cần được quản trị hiệu quả, không có tranh chấp. Để có “đất sạch” kêu gọi xúc tiến đầu tư, để Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế trọng điểm, trở thành cực tăng trưởng của đất nước và là nơi gặp gỡ của trục phát triển xuyên Á Mêkông - Biển Đông và Bắc Nam đại lộ Hồ Chí Minh, thì việc làm rõ quan điểm, giải pháp giải quyết tranh chấp đất đai bảo đảm phát triển bền vững vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay là điều vô cùng bổ ích và ý nghĩa.

SH


 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)